Cũng có học giả cho rằng trận đồ đá tảng là trang bị đặc biệt để người nguyên thuỷ đi săn.
Bởi vì toàn bộ công trình kiến trúc của trận đồ đá tảng đều được xây dựng vào thời kỳ đồ đá mới, một số chuyên gia cho rằng, trận đồ đá tảng là cỗ máy để săn bắt thú lớn. Họ cho rằng vào thời kỳ đó, đa số công cụ và vũ khí đều rất thô sơ nguyên thuỷ, muốn săn bắt được thú lớn, như ngựa hoang, gấu, hà mã, tê giác, mà tránh cho người khỏi bị thương vong, người ta đã nghĩ ra biện pháp đó. Các chuyên gia cho rằng, ngày nay người ta chỉ còn được chứng kiến những tàn tích của trận đồ đá tảng mà thôi. Còn lúc đó chắc chắn phải có những bộ phận bằng gỗ, xương và da thú hợp thành, nhưng vì thời gian quá xa nên chúng không giữ được nữa. Bên cạnh tàn tích đó còn có rất nhiều đá thừa, xem ra chúng cũng có tác dụng gì đó chứ. Bởi vậy họ đưa ra kết luận là trận đồ đá tảng rất có khả năng là công cụ để săn bẫy thú, còn có thể là thiết bị đa dụng trong sinh hoạt. Nếu phục hồi hoàn chỉnh nó có thể như sau:
Các trụ đá lớn vây quanh một cái sân; giữa hai cột đá nào đó có một cái cổng vào, độ rộng của nó có thể tương đương một con thú lớn. Phía trên mỗi cổng như vậy có một tảng đá nặng khoảng mấy chục cân, được chống đỡ bằng thanh gỗ. Tảng đá đó được coi là “đá cảnh giới”. Khi con thú đi từ ngoài vào, vướng phải thanh gỗ chống, thì hòn đá trên đó liền đạp xuống, đánh vào thân con thú, đồng thời phát ra tiếng báo động. Phía trong sân, giáp cổng vào còn đặt “phòng tuyến” thứ hai; tức là một tảng đá rất lớn, được coi là “đá tấn công”. Khi con thú đi vào trong “phòng tuyến” thứ nhất thì những người đứng trên đỉnh trụ và xà đá sẽ điều khiển dây thừng cho “đá tấn công” lao xuống đầu, mặt hoặc mình con thú.
Chính giữa sân còn đặt một cái chòi hai tầng, được làm bằng các trụ đá và các thanh gỗ tròn quây lại. Tầng gác được đặt trên đỉnh các trụ đá. Để có thể dễ dàng quan sát tình hình trong sân và xung quanh, từ chòi gác có cầu thông đến vòng trụ đá thứ nhất.